KHÍ CÔNG DƯỚI MẮT MỘT SỐ VÕ SƯ VÀ NHÀ NGHIÊN CỨU

1. Lão võ sư Đoàn Tâm Ảnh – Cố vấn Liên đoàn Võ Cổ truyền Việt Nam.

Tập khí công cần sự thành tâm và xác định mục đích.

Bất kì ai cũng có “KHÍ”: đó là năng lực, sức mạnh tiềm tàng trong cơ thể. Khí công là công phu rèn luyện tiếp nhận khí Âm Dương của Đất Trời – Trước là quân bình cơ thể để khỏe mạnh sau là tăng Khí tạo nên sức mạnh nhằm sử dụng vào mục đích nào đó.

Khí công lấy Âm Dương và Ngũ Hành làm nền tảng, nói rõ hơn: khi tập Khí công, hành giả cần hiểu biết về thuyết Âm Dương và Ngũ Hành sinh khắc (đã được nêu rõ trong Kinh Dịch và Đông y học).

Phép tập:

– Hít thở Âm (khi Dương thịnh hoặc Âm suy) từ 20 giờ đến rạng sáng.
– Hít thở Dương (khi Âm thịnh hoặc Dương suy) thời gian tốt nhất từ sáng đến trưa.

Hít bằng mũi, thở bằng miệng, gồm ba thì (mỗi thì thời gian bằng nhau) : Âm (hít), Tụ (giữ ở đan điền) và Tống (thở ra). Khi tập không nên ngồi một chỗ dễ bị tổn thương tạng phủ. Kết hợp với động tác mà hít thở đồng thời ý thức được hơi thở dài ngắn, hơi đi đến.

Người tập cần biết rõ bản thân đang “Âm” hay “Dương” để có giờ tập cần thiết.

Thí dụ: Người nóng do 2 nguyên nhân:

Dương thịnh: nóng hối hả, xuất huyết, nhiệt kế tăng cao, có thể gây tử vong.

Âm suy: sổ mũi, tự biết mình nóng, chảy nước mắt, có thể tự hết.

Tập khí công kỵ:

– Không phá giấc ngủ, buổi ăn.
– Không để bị đói lần thứ 2 (khi bị đói, nếu không ăn gì vẫn hết đói, nhưng sau đó sẽ đói (lần 2) trở lại.

Tập khí công với mục đích phóng khí trị bệnh, đánh chưởng … phải ít nhất 20 năm công phu.

2. Võ sư Bùi Thế Cần:
Chủ nhiệm CLB AIKIDO Q.1 – TP.HCM.
Giảng viên trường Đại Học Tổng hợp TP.HCM

Các nhà nghiên cứu Việt Nam nên tập hợp lại các nỗ lực riêng rẽ để xây dựng ngôi nhà Khí công Việt Nam.

Khí công bao gồm các phương pháp luyện tập để tăng khí lực cho cơ thể; và một cách gián tiếp, tăng bản lãnh, ý lực, đạo đức của người tập. Khí công gồm Nội công và Ngoại công. Ngoại công gồm các phương pháp tập luyện bằng động tác cơ bắp. Nội công dùng Ý vận khí ở châu thân. Nội ngoại công phu đều cần thiết để tăng cường công lực.

Nội ngoại công phu, nếu biết tập đúng pháp môn thì bổ dưỡng và phát triển công năng của cơ thể, phủ tạng và ý chí. Nhờ đó con người phát triển sinh lực và mạnh tiến trên con đường tu nhân tích đức. Đó là mục đích tối hậu của khí công.

Nên ghi nhận Nội công và Ngoại công chỉ là cách phân biệt tương đối. Trong vận khí Nội công không thể thiếu ít nhiều Ngoại công. Ngược lại, có những phép luyện trong đó Nội Ngoại công phu gần như tương đương. Thí dụ trong môn Thái Cực Quyền và AIKIDO.

Hiện nay kiến thức con người còn thô sơ thì các phương pháp khí công vẫn còn mang tính bí truyền, hoặc chủ quan, thử nghiệm, cảm tính.

Các hiểu biết về sự khí hóa trong cơ thể (biến tinh thành khí), những đặc tính và quy luật vận hành của khí … ngày càng cụ thể, rõ ràng và sâu sắc hơn. Các ảnh hưởng của tâm lý đến sinh lý cũng được nghiên cứu và đo lường chính xác hơn. Những tìm tòi về Châm cứu, Kinh mạch, Huyệt đạo… đóng góp một phần quan yếu về sự hiểu biết của ta về Khí công.

Thêm vào đó là những đóng góp của ngành Y học Tây phương: Cơ thể học, Giải phẫu học, Sinh lý học, Nội tiết học… tạo nên những tiền đề vững chắc cho việc nghiên cứu Khí công.

3. Giáo sư bác sĩ Ngô Gia Hy:

Phương pháp nào cũng có giới hạn và chỉ định, không có phương pháp nào trị được bách bệnh

Khí công là một phương pháp tập luyện Tâm-Thể dựa trên ba yếu tố chân vạc : Điều Tâm, Điều Thân, Điều Tức có tác động qua lại hai chiều với mục đích tối hậu là thu hút khí, vận khí và luyện khí. Khí là một chất vô hình mà hiện thời chưa xác định được tính chất. Có ý kiến cho rằng Khí là Ion. Dù sao Khí hiện diện ở ngoài cũng như ở trong cơ thể còn là nguồn của sinh lực. Trong cơ thể có khí Tiên thiên và khí Hậu thiên. Khí Tiên thiên hay khí di truyền, do cha mẹ truyền cho phôi ; Khí Hậu thiên là Khí lấy từ Khí trời, chất dinh dưỡng. Nguyên tắc chính của tập luyện Khí công là thư giãn, thở thật đều, êm nhẹ, dịu dàng, có nhịp diệu và tập trung tư tưởng để thu hút khí, vận khí theo các kinh mạch, tụ khí ở các huyệt – nhất là Đan điền, hoặc tản khí ra khắp cơ thể. Trong phương pháp thở thì chủ yếu thở bằng các cơ hoành; riêng trong thở nội lực  thì thở cả cơ bụng và cơ hoành.

Về phương pháp, Khí công có Tĩnh công và Động công, nhưng Tĩnh công là chủ yếu. Động công nhằm giúp vận Khí hơn là để tăng cường cơ bắp. Khí công có nhiều tư thế: ngồi Kiết già hay Bán già là chính, ngồi trên ghế, nằm, quì, đứng. Dù tư thế nào, động tác nào thì thư dãn vẫn là chủ yếu.

Phương pháp chính của tập luyện Khí công là quân bình Âm Dương và điều hòa Ngũ Hành, đây là đầu mối của bệnh tật. Việc tập luyện đến mức cao có thể phát khí đến người khác để trị bệnh. Còn việc phát khí có thể cách không trị bệnh hoặc trị bệnh theo dây chuyền … tôi chưa dám có ý kiến.

Về vấn đề Nhân điện, ta hiểu rằng trong vũ trụ cũng như trong cơ thể đều có điện, vì thế mới có điện tâm đồ, điện não đồ. Có điều là tùy thể trạng, nguồn điện trong người có nhiều hay ít. Người ta thường nói rằng những người hùng biện ngoài lời hay ý đẹp thường còn có sức thu hút người nghe, một phần thường do điện lực dồi dào. Bằng tập luyện có thể tăng cường nguồn điện lực trong cơ thể.

Dù sao, khí công, nhân điện cũng như các phương pháp điều trị bằng vật lý, hóa học, thuốc …, phương pháp nào cũng có giới hạn và chỉ định, không có phương pháp nào trị được bá bệnh.

4. Võ sư Nguyễn Lâm:
Chưởng môn “Thiếu Lâm Công Phu Kiến An Việt Nam”.

Khí công công phu là điều tâm, điều tức, điều thân.

Khí công “Hi cung” (tiếng Trung Quốc), “Pneuma” (tiếng Hy Lạp), “Prana” (tiếng Phạn) – là công phu vận hành năng lực bên trong cơ thể nhằm cải thiện sức khỏe, gia tăng sức mạnh, tăng cường sức đề kháng và hệ miễn dịch, giúp con người sống vui, khỏe và kéo dài tuổi thọ. Ngoài ra , khí công còn gia tăng công lực, sức chịu đựng, sự bền bỉ và nâng cao sức công phá trong võ thuật. Vì thế, từ lâu khí công là nền tảng ngàn năm của Y học Trung Quốc và Y học Á Đông, là đỉnh cao của Y học châu Á.

Khí công đặt cơ sở trên học thuyết Âm Dương và Ngũ Hành. Âm Dương tuy tương phản nhưng cân bằng. Con người là một thành phần của vũ trụ nên luôn luôn phải giữ cân bằng và ảnh hưởng hỗ tương của Ngũ Hành. Ba yếu tố cấu thành Khí công công phu là: Điều tâm (điều hòa tình cảm, ý thức ổn định, xua tan tạp niệm, tập trung ý chí), Điều tức (điều hòa hơi thở, khơi dậy nội khí cơ thể), Điều thân (điều hòa tư thế khi đứng, ngồi, nằm…).

Người luyện tập Khí công ở trình độ sơ cấp cần chuyên chú ở góc độ thực hành đúng phương pháp. Sang trình độ trung cấp, người tập phải có những hiểu biết nhất định về Kinh, Mạch, Huyệt, Luân xa, Cơ thể học…

Trong võ học, Thiếu Lâm còn chia ra “Xung võ khí công” hay còn gọi là “Sát thương khí công” áp dụng trong tự vệ chiến đấu để gia tăng công lực đòn đánh nên có thể gây chấn thương hoặc tử vong cho đối phương nếu đánh vào tử huyệt hoặc trọng huyệt. Còn “Ích thiện khí công” cũng được gọi là “Khí công cứu hộ” lại cấp cứu người bị nạn trong trường hợp choáng váng, chảy máu, bất tĩnh … hoặc trị một số bệnh như mất ngủ, suy nhược thần kinh, đau nhức gân xương… Về phương diện này, tôi thiển nghĩ khí công phụng sự cho mục đích Y học và Nhân đạo rất tốt.

5. Lão võ sư Trần Tiến: Chưởng môn “Thiếu Lâm nội gia quyền”

Luyện thở là phương thuốc trường sinh

Võ cổ truyền dân tộc rất chú trọng đến cách luyện thở. Luyện thở là phương thuốc trường sinh. Cách luyện thở đúng được võ phái gọi là luyện Khí. Luyện Khí chiếm một vai trò quan trọng trong võ thuật.

a. Riêng nội công vận Khí làm tăng thêm khí lực, đả thông kinh mạch làm cho khí huyết sung cường, hăng say lao động. da dẻ hồng hào, gân, xương hoạt bát, làm lui lại tuổi già, yêu đời vui sống.

b. Nội công vận Khí còn có công năng hướng dẫn và thúc đẩy huyết và khí luân chuyển đều khắp trong châu thân, tránh bệnh tê thấp vì thiếu máu và cứng động mạch khi tuổi già, làm cho tinh thần thêm minh mẫn.

c. Nội công vận Khí còn làm tăng bổ sức mạnh cho gân, cứng xương , chuyển lực, phát kinh rất tốt cho thủ pháp, cước pháp, vững chắc thân pháp, giúp rất nhiều cho võ công trong chiến đấu tự vệ khi cần thiết.

d. Nội công vận Khí nếu tập cương, có thể giúp ta đạt được sức mạnh gấp nhiều lần hơn bình thường. Nếu tập nhu, nó mang đến sức khỏe tốt và sự trẻ trung yêu đời.

Kết quả thực hành cho thấy những người suy nhược, bệnh mãn tính sau thời gian luyện tập, đã giải quyết được bệnh và sức khỏe tăng lên, tinh thần cởi mở yêu đời.

Vậy Nội công vận khí là bài tập để chống bệnh, phòng bệnh, sống luôn luôn khỏe mạnh đồng thời làm tăng bổ sức mạnh cho võ công.

Nguồn: vothuat.net.vn

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

Giỏ hàng
Lên đầu trang