*Trận Việt Nam – Philippines: 19h30 ngày 6/12, trên VnExpress.
Những ngày này, người hâm mộ bóng đá Philippines nhắc nhiều đến từ khóa: Điều kỳ diệu ở Hà Nội (Miracle in Hanoi). Đó là trận thắng lịch sử của Philippines trước chủ nhà Việt Nam ở vòng bảng AFF Cup 2010. Chris Greatwich và Phil Younghusband lập công giúp đội khách thắng 2-0 và sau đó lần đầu vượt qua vòng bảng. Cho đến nay, người hâm mộ vẫn coi đó là cột mốc đáng nhớ của bóng đá Philippines.
Cầu thủ Philippines mừng thắng lợi lịch sử tại Mỹ Đình năm 2010. |
Đất nước Philippines có hơn 100 triệu dân, dù diện tích không bằng Việt Nam. Phim ảnh là mối quan tâm lớn nhất với người dân nước này, khi họ cần giải trí. Những người nổi tiếng nhất trên các mạng xã hội Philippines đều là diễn viên. Ở đó, thể thao phải đứng phía sau. Còn bóng đá cũng chưa có cửa sánh với bóng rổ hay quyền Anh.
\”Bóng đá ở Philippines cũng quan trọng, nhưng bóng rổ còn quan trọng hơn\”, HLV Sven-Goran Eriksson chạnh lòng nói trong phòng họp báo mà các phóng viên Việt Nam áp đảo hoàn toàn những đồng nghiệp bên phía chủ nhà Philippines, sau trận lượt đi hôm 2/12 trên sân Panaad.
Philippines chịu ảnh hưởng từ văn hóa Mỹ. Các môn thể thao ưa thích của Mỹ lần lượt được du nhập vào đây từ đầu thế kỷ trước. Nếu như bóng chày hay bóng đá kiểu Mỹ bị thải loại vì không có nhiều sân bóng, thì bóng rổ và quyền Anh lại từng bước trở thành môn thể thao phổ biến tại Philippines.
Chỉ từ đêm kỳ diệu ở Mỹ Đình tám năm trước, bóng đá mới bước sang một trang sử mới ở Philippines. Từ đó đến nay, họ có thêm ba lần vào bán kết, dù chưa thể đi xa hơn. Họ còn lần đầu góp mặt tại Asian Cup – sân chơi châu lục, thuê HLV danh tiếng như Eriksson hay sở hữu một cầu thủ chơi bóng tại Ngoại hạng Anh. Nhưng CĐV Philippines đến sân lại có xu hưởng giảm. Philippines có lẽ cần thêm một điều kỳ diệu nữa tại Hà Nội để tạo cú hích lớn hơn.
Chiến thắng 2-1 ở lượt đi giúp Nguyễn Anh Đức (phải) và các đồng đội gặp rất nhiều thuận lợi ở trận đấu hôm nay. Ảnh: Đức Đồng. |
Nhưng, điều kỳ diệu ở Hà Nội cũng đúng với Việt Nam. 10 năm trước, trong một đêm đông lạnh giá, Công Vinh đánh đầu ngược trong tư thế khó để ghi bàn vào lưới Thái Lan đúng phút cuối trận chung kết AFF Cup. Bàn thắng ấy đã mang về cho Việt Nam chức vô địch đầu tiên ở sân chơi khu vực.
Bóng đá Việt Nam đang tiến bộ và được giới chuyên môn đánh giá cao, nhưng tất cả đang chỉ xuất hiện ở cấp độ trẻ. Chỉ có chức vô địch AFF Cup một lần nữa mới thỏa nỗi mong chờ của người hâm mộ Việt Nam. Đội thắng trong cặp đấu Việt Nam – Philippines được chơi chung kết lượt về trên sân nhà trước Malaysia, và chắc chắn thầy trò HLV Park Hang-seo muốn nâng cup ở Hà Nội.
Việt Nam đang có thiên thời, địa lợi và nhân hòa. Khắc tinh Thái Lan bất ngờ dừng bước ở bán kết, sau những màn trình diễn không thực sự thuyết phục. Trong tay HLV Park là lứa cầu thủ được truyền thông châu lục coi là thế hệ vàng. Đội mới thua một bàn trong năm trận đã qua tại giải. Đội tuyển cũng chưa từng thua quá một bàn trong một trận đấu dưới tài thao lược của thầy Park. Còn trên hàng công, Quang Hải, Anh Đức hay bất cứ ai cũng sẵn sàng tỏa sáng. Mỗi cầu thủ đều hừng hực khí thế như khẩu pháo đã lên đạn, chỉ chờ công phá.
Việt Nam đang sở hữu lực lượng dày và đồng đều. Ảnh: Đức Đồng. |
HLV Park đã sử dụng 20 cầu thủ tại giải. Ba người còn lại gồm hai thủ môn dự bị – Bùi Tiến Dũng, Nguyễn Tuấn Mạnh – và trung vệ Lục Xuân Hưng. Điều đó cho thấy sự đồng đều của các vị trí. Hơn nữa, thầy Park đề cao xoay vòng đội hình để giúp học trò luôn nhập cuộc với trạng thái tốt nhất. Philippines thậm chí đã dùng tới 21 cầu thủ, nhưng bởi vì họ cần người lấp chỗ trống cho năm cầu thủ phải trở về các CLB chủ quản ở châu Âu.
Philippines coi chiến thắng ở Hà Nội tám năm trước là điều kỳ diệu, nhưng chỉ là trong mắt người hâm mộ. Phần lớn tuyển thủ của họ có lẽ không theo dõi được trận đấu năm 2010, khi lúc đó sống ở châu Âu.
Còn điều kỳ diệu ở Hà Nội năm 2008 đã ghim sâu vào tim mọi cầu thủ Việt Nam mê bóng đá, và chẳng có lý do gì để nó không nhen nhóm từ hôm nay.
Xuân Bình