Nên chọn học môn võ nào?
Sau bài viết “Giải pháp giúp trẻ thoát hiểm trong tình huống bạo lực.” Có nhiều phụ huynh đã gặp gỡ, gọi điện nhờ tôi “tư vấn” nên chọn môn võ nào cho con theo học!
- 5 điều phụ huynh cần biết khi cho con em học võ
- Giải pháp giúp trẻ thoát hiểm trong tình huống bạo lực.
Không đơn giản là một câu hỏi có tính tham khảo, mà có người tỏ ra băn khoăn khi đặt vấn đề mang tính so sánh: võ nào hay hơn!
Thật ra thì không thể đưa ra bất kỳ một luận cứ nào nhằm đánh giá chất lượng, hay sự tinh xảo của các võ phái/môn phái. Càng không thể căn cứ vào các trận đấu mang tính giao lưu hay sinh tử của 2 võ sĩ thuộc 2 dòng phái khác nhau để nhận xét về biên độ cao thấp của từng võ phái.
Bởi võ thuật ngoài các đòn thế, bài bản và cả tuyệt kỹ của từng võ phái/môn phái thì còn tùy thuộc rất lớn vào khả năng rèn luyện mà người ta thường gọi là “công phu” của người luyện tập. Bên cạnh đó, tố chất của người tập đóng một vai trò khá quan trọng trong mọi lính vực nghệ thuật trong đó có võ thuật.
Chưa kể các yếu tố ngoại lực cũng chi phối và ảnh hưởng đáng kể trong thể thao và võ thuật trong thời điểm thi đấu, đó là tâm lý và tác động đột xuất khác đã góp phần tạo ra một kết quả cuối cùng.
Trong võ thuật thì các phép đánh, kỹ thuật đòn thế đều hao hao giống nhau.
Cần xác định cho rõ rằng trong võ thuật không có đòn nào hiểm và cũng không có đòn nào không hiểm. Sự khác biệt ở đây là đòn ra có đánh trúng vào yếu điểm của đối phương hay không. Bởi, một đòn đơn giản (đoàn căn bản, mới vào tập đã được học) nhưng đánh vào trúng yếu huyệt cũng có thể gây tử vong.
Ngược lại, dù đòn tuyệt kỹ, nhưng không tận dụng được cơ hội, không đủ bình tỉnh để sử dụng đòn này thì kết quả sẽ không như lý thuyết.
Có người do tự tôn tinh thần dân tộc nên cho rằng võ Việt nhiều đặc tính nổi trội hơn các võ phái khác trong đó có võ Tàu! Họ lý luận rằng, trong lịch sử đã cho thấy; quá trình đấu tranh chống lại đô hộ của giặc phương Bắc thì các trận chiến thắng làm nên lịch sử của dân tộc đã nói lên tính ưu việt của võ thuật Việt Nam.
Điều này không hẳn là như vậy.
Giá trị thực dụng của võ học chính là động cơ quan yếu đã kiến tạo lịch sử: từ giao đấu cá nhân tới vận dụng vào các kỹ thuật tranh đấu chống thiên nhiên, đối nhân và đối vật, cuối cùng hội nhập vào binh pháp để trở thành một phương tiện quan yếu trong mọi trường hợp tự vệ và mở rộng lãnh thổ.
Tuy nhiên để có một trận đánh mang lại kết quả chiến thắng thì còn phụ thuộc rất nhiều vào các yếu tố khác, quan trọng nhất là chiến lược (Binh pháp). Các yếu tố khác như địa hình, khí hậu, thổ nhưỡng …cũng là những yếu tố góp phần tạo ra kết quả của chiến thắng.
Căn cứ vào tài liệu lịch sử thì võ thuật Việt Nam có mặt rất sớm chứ không như nhiều người vẫn nghĩ rằng võ thuật Việt Nam chỉ mới xuất hiện khi phương Bắc đô hộ đưa văn hóa Trung Hoa sang Việt Nam trong đó có võ thuật, một môn võ nổi tiếng và có tầm ảnh hưởng lớn đến các nền võ thuật một số quốc gia khác, đó là Thiếu Lâm.
Thiếu Lâm được xây dựng vào năm 495 sau Công nguyên. Trong khi các hình vẽ trên trống đồng Ngọc Lũ của Việt Nam đã có niên đại 2.500 năm đã cho thấy võ thuật Việt Nam đã xuất hiện từ thời đó.
Qua những sử liệu, chứng tích lịch sử như trống đồng Ngọc Lũ các hình ảnh được khắc trên đó, con người cầm vũ khí với các thế nhảy múa và biểu diễn, và các vũ khí đào được, chúng ta có thể ước đoán về kỹ thuật dụng võ đã có trong thời huyển sử cách nay hơn 2 nghìn năm.
Hiện nay, trên đấu trường và phong trào thể thao thì ngoài các yếu tố như trên đã nói, chúng ta cũng cần nhìn thẳng vào một sự thật khắc nghiệt khác đó là tâm lý cộng đồng!
Các phương tiện truyền thông, quảng bá đã giúp xây dựng nên một thương hiệu, đó là chuyện bình thường.
Tóm lại, các môn phái võ thuật nói chung đều có mục đích nhằm trang bị cho con bạn đức tính tự tin, can đảm, sức chịu đựng dẽo dai và sự nhanh nhẹn khi cần thiết.
Nguồn tác giả: Châu Minh Hay