Chính vì sự thiếu thốn do nghèo đói và chiến tranh, ông cha ta ngày xưa đã tận dụng ngay những nông cụ hay các vật dụng hàng ngày để làm binh khí phòng thân, chống lại quân thù. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về những loại vũ khí đầy tính sáng tạo và …
Chính vì sự thiếu thốn do nghèo đói và chiến tranh, ông cha ta ngày xưa đã tận dụng ngay những nông cụ hay các vật dụng hàng ngày để làm binh khí phòng thân, chống lại quân thù. Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu về những loại vũ khí đầy tính sáng tạo và hết sức thú vị này ngay sau đây nhé!
1. Khăn Rằn
Chiếc khăn rằn vốn rất quen thuộc đối với mỗi người dân Nam Bộ, thế nhưng trong những tình thế nhất định, chiếc khăn này có thể trở thành thứ binh khí phòng thân rất hữu hiệu.
Thuộc bộ vũ khí mềm nên khăn rằn có những kỹ thuật riêng biệt đòi hỏi võ sinh phải có những kỹ năng nhất định. Cụ thể, uy lực của vũ khí khăn rằn nằm ở các kỹ thuật quật, móc, khóa, trói… Đặc tính mềm, dẻo dễ dàng phóng ra thu về một nên người giỏi sử dụng khăn rằn có thể tấn công dài, ngắn, xa, gần một cách linh hoạt.
Thông tin thêm về loại vũ khí nói trên, võ sư Hà Thị Yến Oanh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Tp. Hồ Chí Minh cho biết, là một loại binh khí mềm, khăn rằn dễ quấn bắt, cột trói đối phương,… Sức mạnh của khăn rằn được phát huy đầy đủ nhờ vào việc người sử dụng vận dụng được sự linh hoạt của cánh tay, cổ tay và cơ bắp phối cùng bộ pháp, thân pháp.
Do đó, để thi triển được đầy đủ các tuyệt kỹ của món binh khí tưởng chừng xa lạ nhưng hết sức quen thuộc này, đòi hỏi võ sinh phải có sự nhịp nhàng, uyển chuyển, quyền biến, nhanh nhẹn, mạnh mẽ, thăng bằng… Ví dụ, khi võ sinh sử dụng khăn để quấn vũ khí của đối phương thì có thể giật rơi, khi đánh khăn vào đối phương có thể khiến đối phương rát mặt, tối mặt.
Võ sư Hồ Tường (môn phái Võ lâm Tân Khánh Bà Trà – Takhado) xác nhận, khăn rằn là một loại vũ khí trong kho tàng võ thuật cổ truyền Việt Nam. Loại vũ khí này cũng có một bài võ riêng biệt như những món binh khí quen thuộc khác trong võ học như: Đao, kiếm, thương, côn… Nhiều môn phái có bài võ khăn rằn với nhiều cách đánh, cách sử dụng biến hóa khác nhau, trong đó, môn phái Thanh long võ đạo có bài “Nhung thuật”, môn phái Võ lâm Tân Khánh Bà Trà có bài “Đảo vũ thiên cân
Được biết, bài Đảo vũ thiên cân do huấn luyện viên Nguyễn Trung Nam biểu diễn đã đoạt 2 huy chương Bạc trong 2 kỳ Liên hoan võ thuật cổ truyền đất Phương nam do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền TP.HCM tổ chức. Còn theo võ sư Hà Thị Yến Oanh, trong những lần liên hoan võ thuật cổ truyền quốc tế tổ chức tại nước ngoài, các môn sinh đại diện cho đoàn Việt Nam đã đem bài võ khăn rằn này ra biểu diễn, khiến bạn bè quốc tế hết sức thích thú.
2. Đòn gánh
Đòn gánh và một vật dụng hết sức quen thuộc với người dân lao động Việt Nam. Nó thường được bằng cây tre già hoặc trúc già, với chiều dài hơn một mét, hai đầu có hai cái “mấu” để giữ hai bên đầu treo hàng hóa không bị tuột ra. Cây đòn gánh có độ cứng, độ cong và độ mềm nhất định, để khi người lao động gánh hàng trên vai sẽ giúp hạn chế đau vai, đỡ mất sức hơn vừa giúp giữa thăng bằng trên vai.
Từ hình dáng và cấu tạo đặc biệt của đòn gánh, các võ sư trong làng võ cổ truyền Việt Nam đã đúc kết, sáng tạo bài võ với những thế đánh đặc trưng của nó. Theo lời truyền tụng, ở làng Tân Khánh Bà Trà (tỉnh Bình Dương ngày nay) có bà Võ Thị Vuông (còn gọi bà Năm Vuông) – sống vào cuối thể kỷ 19, đầu thế kỷ 20, tiền bối của môn phái Võ Lâm Tân Khánh – Bà Trà đã từng nổi danh khi dùng nhiều loại nông cụ, trong đó có đòn gánh để đánh trả kẻ xấu, kẻ cướp tấn công bà trong lúc lao động, buôn bán. Đến nay, ở phường Tân Phước Khánh (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) vẫn còn địa danh “Truông Bà Năm Vuông”, đó chính là nơi bà từng sử dụng đòn gánh để đánh cướp
Sử dụng đòn gánh trong đối kháng rất linh hoạt, cách cầm đòn gánh có thể bằng hai tay hoặc chỉ cầm một tay. Trong phòng thủ, đòn gánh với độ dài và độ cứng vốn có, dùng để gạt, đỡ, che chắn toàn thân. Trong tấn công, đòn gánh với những động tác đa dạng như đập, xóc, móc, tạt ngang, phang, đâm, tấn công trên- dưới đối phương đều rất linh hoạt, mang lại hiệu quả cao. Đòn gánh thuộc loại vũ khí cương mãnh, cho nên khi sử dụng vũ khí này phải phát lực dũng mãnh, dứt khoát, trực tiếp đương đầu với các loại binh khí khác. Đòn gánh được xếp vào loại binh khí dài, thuận lợi đánh xa, là sự nối dài của cánh tay, dùng để chủ động trong tấn công lẫn phòng thủ từ xa rất hiệu quả.
Theo võ sư Hồ Tường, Trưởng tràng môn phái Võ Lâm Tân Khánh – Bà Trà (Takhado), để luyện tập với binh khí đòn gánh thì môn sinh trung cấp (tức tập võ từ 1 năm trở lên) đều tập được. Tuy nhiên, tập và thể hiện cho đúng kình lực cần có và đạt được sự thuần thục, bài bản và độ chính xác cao thì cần phải trình độ huấn luyện viên (hoàng đai, tức 3 năm trở lên).
Cũng theo vị võ sư này, bài binh khí đòn gánh từng được nhiều môn sinh của môn phái mang đi biểu diễn nhiều nơi, trong đó, có huấn luyện viên Nguyễn Trung Nam đã biểu diễn bài võ này đoạt hai huy chương bạc trong hai kỳ Liên hoan Võ thuật cổ truyền Đất Phương Nam (2017, 2018) do Liên đoàn Võ thuật cổ truyền Tp.Hồ Chí Minh tổ chức
Đọc thêm: Môn Phái Kỳ Lạ Nhất Võ Thuật Việt Và Câu Chuyện Nhân Văn Đằng Sau
3. Quạt
Quạt là một trong 18 loại binh khí võ thuật cổ truyền Việt Nam, thường được các nữ võ sinh sử dụng trong biểu diễn rất đẹp mắt cũng như để phòng thân rất hữu hiệu. Trong thực tế chiến đấu xưa kia thì cách chế tạo quạt dùng trong võ thuật cũng rất khác với chiếc quạt thông thường. Quạt dùng trong chiến đấu có nan quạt được làm bằng kim loại (nhôm cứng, sắt…) trọng lượng vừa tay người và mặt quạt bằng lụa, cho nên nó có tên gọi đầy đủ khác là thiết phiến
Quạt được xếp vào hàng binh khí ngắn với những lợi thế nhất định, bởi vì các nan quạt bằng sắt vừa có thể gạt đỡ sự tấn công của đối thủ khi sử dụng binh khí dài hay ngắn nào, cũng như phản công hiệu quả, gây sát thương đối thủ ỡ những vị trí cây quạt sắt đánh vào. Ngoài ra, mặt quạt khi xòe ra tạo thành hình nửa vòng tròn, cho nên vừa có khả năng đỡ, gạt, vừa trở thành bề mặt để tấn công đối thủ. Sự đa dạng trong cách triển khai sử dụng như khi xòe ra hay gấp quạt vào đều có thể gạt, hất, đỡ, che chắn, bạt ngang, hộ vệ toàn thận hiệu quả, linh hoạt.
Binh khí thiết phiến thích hợp cho cả nam và nữ luyện tập, tuy nhiên nếu nữ võ sinh sử dụng binh khí này sẽ toát lên nét mềm mại và uyển chuyển hơn. Cây quạt là một vật dụng cá nhân có thể mang theo bên người, và khi gặp chuyện “chẳng đặng đừng”, người học võ có thể dụng nó làm một binh khí để phòng vệ chính đáng và hữu hi
Theo Tiến sĩ – Võ sư Hồ Tường (môn phái Võ lâm Tân Khánh – Bà Trà), thông thường môn sinh ở bậc huấn luyện viên trở lên và thường ở độ tuổi trưởng thành mới được truyền dạy và luyện tập với thiết phiến. Bởi vì ở lứa tuổi và trình độ võ học nói trên, người học mới ý thức được chiếc quạt lúc này không chỉ là một vật dùng hàng ngày mà còn trở thành một loại binh khí, cũng có những đòn thế, cách vận dụng trong chiến đấu, phòng thân hữu hiệu để từ đó có sự tôn trọng, tập trung luyện tập loại binh khí ngắn xuất phát từ vật dụng cá nhân.
Ngày nay, với cách luyện tập nhẹ nhàng và đẹp mắt mà cây quạt mang lại, nhiều người cao tuổi cũng kết hợp luyện tập dưỡng sinh hay Thái cực quyền cùng với binh khí cây quạt. Loại binh khí ngắn, nhẹ nhàng và nhỏ gọn này rất thích hợp với các bài tập mềm mại, chậm rãi, góp phần vào việc rèn luyện và nâng cao sức khỏe của người cao tuổi.
Có thể bạn sẽ thích: Đấu Vật – Nét Đẹp Võ Thuật Cổ Truyền Ít Ai Biết Đến
4. Cây Bồ Cào
Chuyện xưa kể rằng, nhiều nông dân ở làng võ Tân Khánh Bà Trà (nay thuộc phường Tân Phước Khánh, thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) khi đang cào rơm rạ trên cánh đồng thì nghe tin có cướp bóc vô làng, ngay lập tức chiếc bồ cào trở thành binh khí để chiến đấu bảo vệ sự an sinh của dân làng. Từ đó, võ bồ cào trở thành một trong những bài võ được người dân nơi đây luyện tập và phát triển cùng năm tháng.
Cây bồ cào thuộc vào nhóm binh khí cán dài, vì thế có thể sử dụng bồ cào chiến đấu được với bất cứ loại binh khí khác.
Mọi bộ phận của cây bồ cào (răng cào, đầu bằng của lưỡi cào, thân, chuôi cán cào) đều sử dụng để phòng thủ đỡ đòn hoặc công kích các loại binh khí khác một cách rất hiệu quả. Sử dụng răng cào, đầu bằng của lưỡi cào và chính cấu tạo hình dáng đặc trưng của cây bồ cào để tấn công đối phương bằng các động tác bổ, móc, bạt ngang, hất… mang tầm sát thương cao. Khi phòng thủ, có thể dùng thân cào, lưỡi cào để đỡ, các răng cào để khóa một số binh khí bằng cách kẹp chúng vào giữa các răng cào, rồi giật rơi binh khí của đối phương.
Hiện nay, môn phái Tân Khánh – Bà Trà (còn có tên gọi khác là Takhado) đang sở hữu một bài võ liên quan đến cây bồ cào, có tên gọi “Thiết ba lạc thảo”. Ngoài việc phát huy những lợi thế từ cấu tạo của cây bồ cào, bài võ “Thiết ba lạc thảo” của môn phái Takhado còn mô phỏng những động tác sử dụng binh khí cào cỏ của nhân vật huyền thoại Trư Bác Giới trong tiểu thuyết Tân Du Ký (tác giả Ngô Thừa Ân) của Trung Quốc.
Thiết ba lạc thảo là một bài võ thuộc trình độ cao cấp của môn phái, thể hiện được hầu hết những bộ pháp (thế đứng trong võ) cũng như thân pháp (sự di chuyển trong võ) một cách bài bản, chặt chẽ. Các động tác như: tư thế cầm cào, vác cào, cào cỏ… trong bài võ đã thể hiện được những đặc trưng nhất của cây bồ cào – một nông cụ trong sản xuất nông nghiệp.
5. Cây Gặt Lúa
Trong số các loại binh khí của võ thuật cổ truyền Việt Nam xuất thân từ nông cụ không thể không nhắc đến câu liêm, đó chính là cây lưỡi liềm dùng để gặt lúa hay cắt cỏ mà hầu hết người nông dân nào cũng mang theo bên mình mỗi khi ra đồng ruộng. Với đặc thù về hình dáng và các đòn thế sử dụng đặc trưng, chiếc liềm trở thành một binh khí vô cùng hiểm hóc khi dùng để tấn công đối phương.
Câu liêm có hình cấu tạo về hình dáng rất đặc trưng đó là một lưỡi dao răng cưa cong như hình bán nguyệt hoặc hình trăng khuyết, một đầu có chuôi cầm, đầu còn lại có mũi nhọn. Câu liêm được xếp vào loại binh khí ngắn trong hệ thống võ thuật cổ truyền Việt Nam với chiều dài linh động từ 20-50cm.
Khi người người nông dân ra đồng lao động, chiếc liềm dắt theo bên mình rất thuận tiện, và trở thành một binh khí để phòng thân khi gặp phải thú dữ, cướp giật. Nhiều bài võ được hình thành từ loại nông cụ này, có bài võ chỉ dụng một cái liềm (đơn liêm), có võ sư sử dụng hai cái liềm cầm ở hai tay (song liêm) đã tạo nên sự đa dạng và độc đáo cho bài võ từ binh khí này.
Theo võ sư Hà Thị Yến Oanh, Phó Chủ tịch Liên đoàn Võ cổ truyền Tp. Hồ Chí Minh, do xuất thân từ cây liềm nên kỹ thuật của bài võ này được các võ sư sáng tạo, phát triển dựa trên các động tác cơ bản của người nông dân sử dụng trên đồng ruộng. Theo đó, những đòn thế đặc trưng của câu liêm bao gồm: móc, khóa, gặt, cứa, mổ, cắt.
Là loại binh khí ngắn, gắn liền với cơ thể người sử dụng nên câu liêm tỏ ra hết sức hữu hiệu trong việc chiến đấu ở cự ly gần. Các võ sư nhận định, ở cự ly gần, câu liêm phát huy được tính linh hoạt trong cả tấn công lẫn phòng thủ. Khi áp sát đối phương, với cặp câu liêm trên tay, người võ sinh có thể sử dụng những đòn móc, khai thác thế mạnh của chiếc móc nhọn, sắc bén ở đầu câu liêm để hạ gục đối phương.
Cùng với sự uyển chuyển, linh hoạt trong thân pháp, võ sinh sử dụng câu liêm cũng dễ dàng gây sát thương lớn cho đối phương bằng những đòn gặt, móc vào phần chân, tay, thậm chí cổ… Hơn thế, dựa trên sự gọn gàng trong hình thể, câu liêm trở thành cánh tay nối dài của người sử dụng. Người võ sinh sử dụng câu liêm có thể thi triển các đòn khóa tay, chân, cổ, rồi nhanh chóng hạ gục đối phương bằng đòn cứa rất linh hoạt tại những vị trí hiểm yếu trên cơ thể. Trong phòng thủ, câu liêm cũng sử dụng những kỹ thuật trên để hóa giải đòn đánh của đối thủ rồi bất ngờ nhập nội tấn công chớp nhoáng.
Tuy nhiên, để có thể sử dụng thành thạo, thi triển được hết tinh túy của câu liêm, võ sinh phải trải qua quá trình luyện tập nghiêm túc từ những bước cơ bản. Hiện nay, nhiều môn phái võ thuật cổ truyền Việt Nam cũng đang luyện tập, phát triển bài võ sử dụng câu liêm.
Môn phái Thanh Long võ đạo, Võ lâm Tân Khánh Bà Trà (Tp. Hồ Chí Minh) là những môn phái có nhiều môn sinh sử dụng chiếc câu liêm trong bài võ của mình một cách thuần thục và đẹp mắt. Trong số đó, không ít người đã biểu diễn bài võ câu liêm trên sân khấu, lễ hội văn hóa – thể thao, võ đường ngoại quốc tại các dịp liên hoan võ thuật quốc tế hay giao lưu võ thuật cổ truyền…, tất thảy đều nhận được sự tán dương xen lẫn bất ngờ của người xem.
Theo thời gian, lưỡi liềm từ hình thức đến chất liệu được biến thể để phù hợp với mục đích sử dụng như: tập luyện, biểu diễn,…. Tuy nhiên, về cơ bản, hình thức của chiếc câu liêm trong bài võ của hệ thống võ thuật cổ truyền Việt Nam vẫn giữ nguyên nét cơ bản của lưỡi liềm gặt lúa lẫn sự hiểm hóc mà nông cụ này mang lại.
Có thể bạn sẽ thích: 4 Huyền Thoại Võ Thuật Việt Trước 1975 Bạn Phải Biết
Kết
Chúng tôi hy vọng bài viết này đã giúp bạn tìm hiểu thêm nhiều kiến thức về các loại binh khí của võ thuật cổ truyền. Võ phục Tân Việt luôn vinh dự được đồng hành cùng các môn sinh đưa võ thuật cổ truyền Việt Nam phát triển lớn mạnh hơn nữa.
Bài viết có tham khảo thông tin từ: vietnam.vnanet.vn
Đồng hành cùng Võ Thuật Việt Nam từ năm 1962, Tân Việt là nhà cung cấp võ phục và dụng cụ võ thuật hàng đầu của các Huấn Luyện Viên lâu năm cùng hàng nghìn cá nhân đam mê và yêu thích võ.