Đại Võ Sư Trương Văn Bảo – vị võ sư tài năng, vang danh quốc tế

Với uy tín và tài năng của mình, võ đường Trần Hưng Đạo của vị đại võ sư quốc tế Trương Văn Bảo (đường Nguyễn Đình Chiểu, phường 9, TP.Đà Lạt, Lâm Đồng) những năm qua có nhiều bậc võ sư, võ sinh quốc tế, từ các nước Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Ma-rốc, Pháp… đến để “tầm sư học võ”, thọ giáo với ông.

Ngoài trình độ thập đẳng (10 đẳng, đẳng cấp cao nhất) bộ môn võ thuật cổ truyền Việt Nam, võ sư Trương Văn Bảo còn được là huấn luyện viên và có nhiều bằng cấp chứng nhận trình độ võ thuật cấp độ lục, thất, bát đẳng của nhiều môn võ thuật nổi tiếng của các nước: Mỹ, Hàn Quốc, Brazil, Trung Quốc…

Trung thành với võ cổ truyền Việt Nam

Võ sư Trương Văn Bảo (SN 1950) tại TP.HCM, lớn lên tại TP.Đà Lạt, hiện là Sư trưởng võ đường Trần Hưng Đạo – Đà Lạt, Trưởng môn Thiếu lâm phật gia quyền, Chủ tịch Liên đoàn võ thuật cổ truyền tỉnh Lâm Đồng, Phó Tổng thư ký Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam, Phó ban chuyên môn Liên đoàn Thế giới võ cổ truyền Việt Nam, Đại võ sư quốc tế.

Đam mê võ thuật từ nhỏ, 8 tuổi, ông được cha mẹ cho tìm thầy dạy võ, tập võ ta và quyền Anh, tập nhu đạo (Judo), nhu thuật (Jiujitsu), thái cực đạo với các võ sư tại TP.Đà Lạt. Sau đó, ông đặc biệt đam mê các môn võ thuật cổ truyền Việt Nam và môn võ Thiếu lâm phật gia quyền (môn võ từ cửa Phật, có nguồn gốc Thiếu lâm tự).

Từ năm 1973, ông bắt đầu dạy võ. Do ông đặc biệt ngưỡng mộ danh tướng Trần Hưng Đạo nên khi trở thành thầy dạy võ, ông mở võ đường lấy tên Võ đường Trần Hưng Đạo, dạy song hành hai môn võ thuật cổ truyền Việt Nam và Thiếu lâm phật gia quyền.

Không “đóng khung” trong việc dạy và học hai môn võ sở trường, võ sư Trương Văn Bảo còn là người sẵn sàng tiếp cận, học hỏi những môn võ có nguồn gốc hoặc phổ biến từ các nước khác trên thế giới. Nhiều năm qua, ông đặt chân đến nhiều nước, học và giành được nhiều tấm bằng chứng nhận về nhiều môn võ nước ngoài, như Muay (Thái Lan), Jujitsu (Brazil), Karate-do, Aikido (Mỹ, Hàn Quốc)… Ông nói: “Tôi học thêm các môn võ khác để hiểu rõ về môn phái của mình hơn, để mở rộng tầm mắt…”.

Ông Bảo kể lại: ở nước ngoài có các Hội, Hiệp hội, Liên đoàn võ thuật… Có khi họ mời trực tiếp ông hoặc do Liên đoàn võ thuật cổ truyền Việt Nam cử ông đi. Việc ông ra nước ngoài học và dạy võ là sự giao lưu, học hỏi để bổ trợ thêm kiến thức võ thuật. Đỉnh cao của võ thuật là dùng trí chứ không phải sức lực. Ông luôn trung thành với võ cổ truyền Việt Nam, tự hào với những bài võ từ ngàn năm cha ông ta để lại với tâm nguyện lưu truyền cho hậu thế.

Không chỉ trực tiếp truyền dạy võ cho hàng ngàn môn sinh, ông còn có các bài viết truyền bá võ thuật – miêu tả rất kỹ càng về bài võ, thế võ… gắn với các nhân vật, giai đoạn lịch sử Việt Nam, đăng tải trên các trang web để nhiều người hiểu thêm về môn võ cổ truyền Việt Nam.

Ông đi nhiều nơi, sưu tầm những bài võ cổ truyền Việt Nam chưa được phổ biến rộng rãi hoặc bị thất truyền để về truyền lại cho các học trò. Danh tiếng của ông không dừng ở làng võ Việt mà đã vang danh trong làng võ thế giới.

Tiếp xúc với võ sư Trương Văn Bảo, người đối diện sẽ cảm thấy thú vị bởi ông có vốn kiến thức văn hóa – lịch sử, võ thuật rất phong phú, sâu rộng. Ông nhấn mạnh, người học võ không chỉ để có thể chất tốt mà là rèn luyện đạo đức, nhân cách. Giỏi võ không phải giỏi các đòn, thế, mà là dùng trí để xử thế.

Nhiều võ sư quốc tế đến thọ giáo

Nhờ những lần đi nước ngoài dạy và học võ, võ sư Trương Văn Bảo có những mối quan hệ thân thiết với nhiều vị võ sư, võ sinh quốc tế. Nhiều người nghe ông giảng giải tỏ ra yêu thích môn võ cổ truyền Việt Nam, yêu mến nền văn hóa dân tộc Việt Nam nên có dịp nghỉ hè, đi du lịch hoặc các chuyến công tác đến đất nước Việt Nam đã tìm đến võ đường Trần Hưng Đạo – Đà Lạt để tập với võ sư Bảo.

Học và dạy võ cần “văn ôn võ luyện”, nhiều võ sư, võ sinh xa quê hương, xa võ đường quen thuộc của mình lâu ngày đã chọn võ đường của võ sư Bảo để tập luyện, mặc dù ở TP.Đà Lạt có gần 20 võ đường. Họ chọn nơi đây còn vì sự yêu mến, ngưỡng mộ vị sư trưởng.

Do có khả năng giao tiếp được 2 thứ tiếng Anh, Pháp, võ sư Bảo dễ dàng giao lưu, trao đổi về võ thuật, văn hóa với các đồng nghiệp, đồng môn. Võ sư Bảo cho biết, nhiều năm qua, ông vẫn thường tự học ngoại ngữ để có thêm vốn từ chuyên môn về võ thuật nhằm giao tiếp với các đồng nghiệp, học trò.

Đến võ đường của ông, có những võ sư, võ sinh là giảng viên hợp đồng với Trường đại học Đà Lạt. Nhiều người làm công tác thiện nguyện giáo dục, một số người đi du lịch. Trong đó có nam có nữ, nhiều người rất trẻ, rất giỏi, có trình độ thạc sỹ, tiến sỹ, thậm chí phó giáo sư… Họ đến từ các nước: Mỹ, Đức, Hàn Quốc, Ma-rốc, Algeria…

\"Võ
Hai cha con võ sư Christian Kronenbitter (thứ 2, 5 từ phải qua) cùng võ sư Trương Văn Bảo (đứng giữa)​

Đặc biệt, trong những ngày đầu năm 2017, nhiều người dân ở hẻm đường Nguyễn Đình Chiểu và các học trò, môn sinh của võ đường Trần Hưng Đạo – Đà Lạt rất bất ngờ, ấn tượng khi trong nhiều ngày sau đó, chứng kiến một gia đình võ sư người Đức hàng ngày chăm chỉ, miệt mài luyện tập võ cổ truyền Việt Nam với võ sư Trương Văn Bảo.

Đó là gia đình võ sư Christian Kronenbitter (60 tuổi) và vợ ông là bà Christine (52 tuổi) cùng cậu con trai Korbinian Bachhuber (28 tuổi) – người Konstanz, một thành phố nhỏ nằm ở phía nam nước Đức, gần biên giới với Thụy Sỹ. Gia đình ông Christian cho biết, họ đến Việt Nam – quê hương của môn võ Việt mà ông đang dạy tại quê nhà, vừa để đi du lịch, vừa học hỏi nâng cao thêm trình độ võ thuật của mình.

Vị võ sư 5 đẳng người Đức này cho biết, ông tập võ trên 35 năm nay. Ông học cả Karaté (môn võ của Nhật), Công Phu của phái Thiếu Lâm (Trung Quốc) và rồi ông thực sự yêu thích võ cổ truyền Việt Nam, thông qua thầy dạy võ người Pháp tại Paris, là võ sư Bernard Võ Đình Quang (có cha người Việt, mẹ người Đức), hiện đã 65 tuổi và vẫn đang dạy võ cổ truyền Việt tại Paris.

Cả vợ và 3 cậu con trai của ông cũng đều yêu thích môn võ cổ truyền Việt. Hiện ông đang duy trì một võ đường dạy võ Việt tại thành phố nơi ông sinh sống. Vợ của ông, bà Christine cũng là võ sư 3 đẳng.

Võ sư Christian biết võ sư Trương Văn Bảo qua một đợt tập huấn nâng cao võ cổ truyền Việt do Liên đoàn võ cổ truyền Việt Nam tổ chức tại Paris. Tại lớp tập huấn này, Võ sư Bảo chính là người trực tiếp hướng dẫn tại lớp. Sau đó, võ sư Christian đã sắp xếp để đưa cả nhà sang Việt Nam tìm đến nhà võ sư Bảo tại Đà Lạt để thụ giáo thêm.

Đây là chuyến đi thứ hai của gia đình ông sang Việt Nam. Năm ngoái, vợ chồng ông còn đưa cả 3 cậu con trai của mình đi cùng, năm nay do hai con của ông bận nên chỉ mình Kobinian đi cùng.

Korbinian cho biết, anh đã tập võ Việt trên 18 năm cùng cha và mẹ mình, từ lúc chỉ vừa 10 tuổi. Đến nay, anh đã quyết định chọn nối nghiệp cha và đang dự đinh mở một võ đường tại vùng Baravia của Đức. “Võ cổ truyền của Việt Nam thực sự rất hay, có nhiều khác biệt với các môn võ khác.

\"Võ
Hai võ sư người nước ngoài luyện tập võ tại võ đường của võ sư Trương Văn Bảo

Tôi đã đam mê và nguyện gắn bó đến cùng trong nghiệp võ của mình. Nhiều người Đức rất thích môn võ này nên võ đường của cha tôi khá đông môn sinh” – anh Korbinian vui vẻ chia sẻ. “Chúng tôi dự định mỗi năm sẽ sắp xếp đến Đà Lạt để cùng luyện võ với thầy Bảo” – ông Christian nói, nhìn vợ và nhận được sự mỉm cười ủng hộ.

Kể về các vị khách ngoại quốc đến võ đường của mình tập võ, võ sư Bảo chia sẻ: “Họ rất nghiêm túc, cầu thị, gọi tôi bằng thầy một cách trân trọng. Họ giỏi rồi, họ học gì ở mình? Tiếp xúc với nhiều người, tôi giải mã được điều họ muốn. Đó là do sự yêu mến nền văn hóa Việt Nam. Kết hợp trong các bài dạy võ, tôi giới thiệu với họ văn hóa, lịch sử của đất nước mình, gắn với câu chuyện về các bậc tiền nhân làm rạng danh nước nhà, trải suốt quá trình đấu tranh, giành độc lập của dân tộc. Họ nghe và rất thích…”.

Chính sự hiểu biết về văn hóa, sự tận tâm của người thầy trong quá trình học và truyền dạy võ, võ sư Trương Văn Bảo đã để lại nhiều ấn tượng trong lòng những người bạn và học trò của mình. Nhiều nhà báo nước ngoài viết về võ sư Trương Văn Bảo, đánh giá ông là một người sâu sắc, bậc chính nhân quân tử với tinh thần võ – đạo.

Ngọc Hà – Thể thao công an

Giỏ hàng
Lên đầu trang