TIÊU CHUẨN CỦA MỘT VÕ SƯ

TIÊU CHUẨN CỦA MỘT VÕ SƯ

Một Võ Sư, tức là một người Thầy Dạy Võ chân chính, xứng đáng và được nhiều người quý trọng, nhiều người cho rằng cần phải hội đủ sáu tiêu chuẩn như sau:

1- Trước hết, người thầy dạy võ phải có sức khỏe.
Không nhất thiết vai u thịt bắp nhưng phải khỏe mạnh, rắn rỏi – dạy võ mà hom hem, hốc hác, hay liêu xiêu mỗi khi trái gió trở trời thì vừa khó coi vừa khó chấp nhận. Bởi mục đích đầu tiên của võ là mang lại sức khỏe cho người tập, vậy mà ông thầy võ ốm o xo bại thì không thuyết phục được ai.

Không chỉ có sức khỏe về mặt thể chất mà còn phải có sức khỏe về mặt tinh thần: sáng suốt, mạnh mẽ, kiên định, và một tâm hồn cao đẹp… khác với mẫu người lờ mờ, bạc nhược, buông thả, với con tim bệnh hoạn… Là một loại hình thể thao, võ thuật phải mang lại cho người tập “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”. Mà muốn được thế, ông thầy dạy võ phải là con người có “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”.
2- Thầy dạy võ cần có trình độ tri thức và văn hóa ở mức cao.

\"Tiêu

Ngày trước thế giới nhỏ bé sau lũy tre làng, ngày nay thế giới mênh mông trong thời đại toàn cầu hóa. Ngày trước không ít thầy võ thất học, có cả trường hợp nhiều vị thi đậu đến tiến sĩ võ, mãi khi vào thi đình, ông vua mới phát hiện vị tiến sĩ nọ mù chữ; ngày nay ông thầy võ nhất thiết phải có học, có trình độ tri thức và văn hóa nhất định. Người thầy võ thật sự không chỉ am tường võ thuật, võ lý mà còn phải đạt đến tầng võ đạo. Giáo dục là một nghệ thuật tổng hợp, đòi hỏi người thầy phải có kiến thức tổng quát. Không có tri thức, không có khoa học, không có văn hóa thì lấy gì để dạy đạo làm người.

Trình độ tri thức và văn hóa còn giúp người thầy võ năng lực tiếp thu cái mới và công nghệ mới, trong đó có công nghệ internet. Làm sao có thể tưởng tượng được một ông thầy võ thời hiện đại mà không biết sử dụng internet. “Rừng văn biển võ” – cả biển võ mênh mông trải ra trước mắt chỉ cần bằng một động tác nhấp chuột. Không biết tận dụng lợi ích của internt, ông thầy võ tự bịt mắt mình, tự cô lập mình, tự đẩy mình về lại quá khứ hàng trăm năm trước.

3- Thầy dạy võ cần có năng lực tổ chức, điều hành tốt.
Ngày nay, ông thầy võ thường là người đứng đầu một Câu Lạc Bộ, một Võ đường, Chi phái, Hệ phái, hay Liên Đoàn… Bởi thế, ông thầy võ còn phải có năng lực tổ chức, điều hành. Thiếu tiêu chuẩn này, ông thầy võ không thể duy trì nổi Câu Lạc Bộ, chứ chưa nói phát triển phong trào, hay nâng cao chất lượng rèn luyện và giáo dục.

4- Thầy dạy võ phải biết võ và liên tục tập luyện và tìm hiểu thêm về võ.

Nhưng tiêu chuẩn quan trọng hơn cả là ông thầy dạy võ phải giỏi võ. Không chỉ là nhà chuyên môn mà phải có chuyên môn sâu về môn võ mình dạy. Võ có ba tầng: võ thuật, võ lý, và võ đạo. Võ thuật bao gồm hệ thống kỹ thuật, quyền pháp, đấu pháp; võ lý là những nguyên lý làm nền tảng từ đó xây nên hệ thống võ thuật. Về mặt này, đòi hỏi người thầy võ phải am tường và thông suốt cả hai. Hiện nay, không ít vị chưa đủ chuyên sâu nhưng cũng mở lò luyện võ. Nhà nước thiếu trách nhiệm kiểm soát, nhân dân thiếu quan sát chọn lựa. Hậu quả là người học học không tới đâu, không hứng thú, và không có hiệu quả, chưa nói đôi khi còn phản tác dụng. Ở các nước tiên tiến, cũng như mọi ngành nghề khác – bác sĩ phải có bằng tốt nghiệp bác sĩ, y tá phải có bằng tốt nghiệp y tá, kỹ sư phải có bằng tốt nghiệp kỹ sư, thầy giáo phải qua quá trình đào tạo và thử nghiệm, thì thầy võ cũng phải có bằng huấn luyện võ thuật. Với thầy võ, đó mới chỉ là chứng chỉ chuyên môn, tuy thế không thể không có. Tất nhiên, ông thầy võ không nhất thiết phải là nhà cựu vô địch. Người đấu đá giỏi chưa hẳn là một Huấn Luyện viên giỏi, một huấn luyện viên giỏi chưa hẳn là một ông thầy võ giỏi. Rất tiếc, vẫn còn nhiều người nhầm lẫn điểm này.

Có năng lực chuyên môn, ông thầy võ còn phải có tư tưởng sư phạm và phương pháp sư phạm. Giáo dục là một khoa học, với hệ thống chương trình, qui trình, phương pháp cụ thể theo đặc thù mỗi môn học. Không thể chủ quan, tùy tiện dạy gì cũng được, trước sau, nhanh chậm gì cũng được… Dạy võ không dừng lại ở quyền cước mà còn hướng đến dạy đạo làm người. Không coi võ sinh như một con người trừu tượng mà là một con người cụ thể, với từng đặc điểm riêng, những ưu điểm và nhược điểm riêng, tính khí tính cách riêng; không xúc phạm người tập, không đánh mất niềm tin, niềm tự hào của họ; luôn yêu thương, tôn trọng, và biết chờ đợi… Ông thầy võ thực sự phải vừa là một người thầy, người cha, người bạn.

5- Thầy dạy võ cần có phẩm chất và đạo đức tốt đẹp.

Một tiêu chuẩn khác còn quan trọng hơn, ông thầy dạy võ phải có phẩm chất và đạo đức cần thiết. Phẩm chất, đó là: Khiêm tốn, điềm tĩnh, đúng giờ, giờ nào việc đó; có hoài bão, có ước mơ; không ngừng phấn đấu hoàn thiện mình, không mắc những thói hư tật xấu như đánh lộn, nhậu nhẹt, cờ bạc, trộm cắp, bê tha… Đạo đức, đó là: Trung thành với tổ quốc, hiếu để với cha mẹ, trách nhiệm với gia đình, tình nghĩa với thầy bạn, nhân ái với mọi người… Ngoài ra, ông thầy võ cần có tâm hồn cao đẹp, cao thượng, bao dung… cùng với cốt cách ung dung, trầm tĩnh, đỉnh đạt… Ông thầy võ phải luôn luôn là tấm gương cho võ sinh noi theo.

6- Thầy dạy võ phải hết lòng vì võ sinh.

Sau cùng, ông thầy võ phải hết lòng vì võ sinh thân yêu. Ai không biết cho thì không thể là ông thầy võ lý tưởng: cho kiến thức, cho lời khuyên, cho thời gian, cho công sức, cho tâm huyết, đôi khi cả cho tiền – đây là điểm khác biệt giữa dạy võ và các loại hình buôn bán khác. Buôn bán phải sòng phẳng, “tiền trao cháo múc”, còn dạy võ, đôi khi chẳng thu học phí, đặc biệt đối với những võ sinh nghèo.

Đó chỉ là sáu tiêu chuẩn căn bản. Không nhất thiết phải hội đủ cả sáu mới gọi là ông thầy võ. Trong thực tế, đôi khi chỉ cần bốn hoặc năm cũng có thể chấp nhận được. Nhưng ba tiêu chuẩn sau cùng thì dứt khoát không thể không có. Đó là: phải có năng lực chuyên môn, phải có tư cách đạo đức, phải hết lòng vì võ sinh thân yêu. Nói gọn lại, thầy võ chí ít cũng phải có Tài, có Đức, và có Tâm.

Võ thuật, môn phái nào cũng có cái hay riêng. Nhưng học võ, khâu quan trọng nhất là chọn thầy. Gặp ông thầy “chuẩn”, việc tập võ mang lại hứng thú và lợi ích rõ ràng; gặp ông thầy không chuẩn, việc tập võ nhàm chán và chẳng có lợi ích gì, đôi khi còn tác dụng ngược lại.

Mong được sự đóng góp của các bạn xa gần về tiêu chuẩn của một võ sư chân chính, để nội dung các tiêu chuẩn sẽ phong phú, đầy đủ hơn. Cảm ơn các bạn.

Nguồn: ST

Trên đây là bài viết được chia sẻ trên FB của Võ Sư Hồ Tường. Được biết ông có đọc trên mạng thấy hay và chia sẻ . Nay tôi vô tình lại qua FB của Võ sư thấy rất hay và cũng xin phép chia sẻ lại cho tất cả mọi người cùng đọc và suy ngẫm về \” Tiêu chuẩn của một Võ sư\”

Giỏ hàng
Lên đầu trang